Chính thức thay đổi mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1/7/2025: Người dân chú ý

Mức đóng BHYT hộ gia đình thay đổi như thế nào từ ngày 01/7/2025? Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình gồm những ai?

Từ ngày 01/7/2025: Mức đóng BHYT hộ gia đình thay đổi như thế nào?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025) quy định như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 như sau:

2. Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là tiền lương tháng), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức tham chiếu.

Theo đó, mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2024 (sau đây gọi chung là tiền lương tháng), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở.

Như vậy, thay vì căn cứ vào mức lương cơ sở để tính đóng BHYT như hiện nay thì từ 01/7/2025 Chính phủ sẽ căn cứ vào mức tham chiếu.

Căn cứ tại Điều 14 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025), quy định tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng BHYT như sau:

Điều 14. Tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế

1. Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

2. Đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương, tiền công tháng được ghi trong hợp đồng lao động.

3. Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.

4. Đối với đối tượng không thuộc quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là mức tham chiếu.

5. Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng bảo hiểm y tế là 20 lần mức tham chiếu.

Như vậy, từ 01/7/2025 mức đóng BHYT bên cạnh việc được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương tháng, tiền lương hưu, tiền trợ cấp (như hiện nay) còn được xác định theo mức tham chiếu.

Đồng thời, căn cứ tại khoản 11 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2024 quy định mức đóng đối với nhóm tự đóng bảo hiểm y tế (BHYT), bao gồm thành viên hộ gia đình thì mức tối đa bằng 6% mức tham chiếu.

Mức tham chiếu đóng BHYT là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng của một số trường hợp tham gia BHYT và mức tham chiếu là do Chính phủ quyết định.

Theo Nghị quyết 159/2024/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, mức lương cơ sở vẫn ở mức 2,34 triệu đồng/tháng. Vì vậy, mức tham chiếu áp dụng từ ngày 1/7/2025 cũng ở mức 2,34 triệu đồng đã được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Theo quy định hiện hành tại điểm e khoản 1 Điều 7  Nghị định 146/2018/NĐ-CP, thì mức đóng BHYT hộ gia đình hàng tháng sẽ căn cứ theo mức lương cơ sở, cụ thể như sau:

– Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở.

– Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất.

– Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Như vậy, mức đóng BHYT hộ gia đình năm 2025 như sau:

Từ ngày 01/7/2025: Mức đóng BHYT hộ gia đình thay đổi như thế nào? (Hình từ Internet)

Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình gồm những ai?

Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP (được sửa đổi tại Điều 2 Nghị định 104/2022/NĐ-CP) thì nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình bao gồm:

(1) Người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

(2) Những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

(3) Các đối tượng sau đây được tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình:

– Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;

– Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.