Chính Sách Mới: Người Già Được Đi Xe Miễn Phí – Bước Đột Phá Hỗ Trợ Cộng Đồng Cao Niên!

(Tinduongpho.online) – 70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội không ngừng vươn lên, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm lớn về khoa học và đổi mới sáng tạo của cả nước.

Những ngày này, đường phố Hà Nội rợp cờ hoa, băng rôn chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Hôm nay, ông Nguyễn Văn Chấn (75 tuổi, trú tại phố Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) bắt chuyến xe buýt di chuyển lên Hoàn Kiếm để tham quan một số địa danh lịch sử.

Ông Chấn là giảng viên đại học về hưu. Nhiều năm gần đây, ông có thói quen sử dụng xe buýt đi thăm bạn bè hoặc tham quan các nơi quanh Hà Nội.

“70 năm hay mỗi dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô với những người như tôi là rất thiêng liêng. Tôi sinh ra ở Hà Nội, ngày Giải phóng Thủ đô tuy chưa cảm nhận được rõ nhưng qua câu chuyện từ lời kể của những người đi trước, tôi luôn khắc ghi trong lòng ý nghĩa của ngày tháng lịch sử này”, ông Chấn nói.

Ông Chấn ở một mình, các con ở nước ngoài nên nhiều khi thấy buồn. Một tuần ông dành vài ngày sử dụng xe buýt để di chuyển quanh Hà Nội, có khi đi thăm những người bạn cũ, có khi dừng lại tham quan một số điểm di tích, khi bắt xe lên hồ Gươm chỉ để ngồi ghế đá, ngắm phố phường.

Từ năm 2006, vé miễn phí đi xe buýt được áp dụng cho đối tượng thương binh, bệnh binh và người khuyết tật ở Hà Nội. Đến năm 2008, thành phố bổ sung thêm đối tượng người có công được hưởng chính sách miễn phí đi xe buýt. Và tháng 9/2019, thành phố tiếp tục bổ sung thêm đối tượng người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) và nhân khẩu thuộc hộ nghèo được hưởng chính sách miễn phí đi xe buýt.

Các đối tượng thuộc chính sách được miễn phí đi xe buýt hiện nay ở Hà Nội gồm người có công, người khuyết tật, người cao tuổi (công dân từ đủ 60 tuổi trở lên và không cần có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội), nhân khẩu thuộc hộ nghèo có nhu cầu và khả năng tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).

Từ khi được miễn phí vé xe buýt, rất nhiều người cao tuổi ở Hà Nội sử dụng, bởi việc đi lại ngày càng thuận tiện, an toàn, tiết kiệm.

Ngày 1/10, ông Công Phương Điệp (72 tuổi, trú tại Quảng An, quận Tây Hồ) và vợ là bà Hi Thị Túc bắt xe buýt từ nhà đến dốc Bác Cổ (quận Hoàn Kiếm) để vào Bảo tàng lịch sử Việt Nam tham quan.

Ông Điệp nói rằng miễn phí vé xe buýt cho người già là việc làm rất nhân văn, ý nghĩa của Hà Nội. Điều này đã thể hiện sự quan tâm của thành phố đến những người cao tuổi.

“Đi xe buýt an toàn, chủ động được thời gian, không phải làm phiền đến con cháu. Lên xe buýt có các nhân viên chào hỏi, hỗ trợ và được mọi người nhường ghế. Điều này đối với người già như chúng tôi rất ý nghĩa. Xe buýt trở thành phương tiện thường xuyên của vợ chồng tôi nhiều năm nay”, ông Điệp chia sẻ.

Trong lúc ngồi đợi xe buýt tại điểm chờ trên phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), cụ Nguyễn Văn Mạnh (85 tuổi, trú phố Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên) tranh thủ đọc báo. Hơn 3 năm qua, cụ Mạnh thường xuyên đi xe buýt đến tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh của Hà Nội.

“Xe buýt là phương tiện công cộng quan trọng nhằm hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc của thành phố. Những năm qua, xe buýt tại Hà Nội có nhiều cải tiến từ phương tiện đến chất lượng phục vụ. Với người già như tôi, xe buýt là phương tiện quan trọng để đi lại cũng như đảm bảo an toàn, tiết kiệm”, ông Mạnh bày tỏ.

Gần 10 năm qua, ông Hoàng Xuân Kế (74 tuổi) thường xuyên chọn chuyến xe buýt số 03 từ bến xe Giáp Bát đến Gia Lâm để thăm con cháu. Theo ông, đi xe buýt tuy vẫn phải đi bộ một quãng nhưng đổi lại được sự văn minh, an toàn hơn so với xe máy, đặc biệt là nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của lái xe và nhân viên.

“Tôi có tuổi rồi, không lái được xe máy và cũng không thành thạo đặt xe công nghệ nên đi xe buýt là tiện nhất. Cũng vì tuổi cao mà không ít lần quên ví tiền, quên thẻ xe nhưng lần nào cũng được phụ xe giúp đỡ, tặng vé xe miễn phí. Tôi biết vé đó họ phải bỏ tiền cá nhân ra để mua nên rất cảm kích, càng đi nhiều càng thêm yêu quý những tài xế, phụ xe buýt”, ông Kế nói.

Vừa xuất bến nhưng trên xe đã rất đông hành khách, anh Nguyễn Văn Minh (nhân viên phụ xe, Xí nghiệp xe buýt Hà Nội) tất bật vừa bán, kiểm tra vé tháng, vừa hướng dẫn hành khách ngồi đúng vị trí an toàn. Khi có khách hàng là người cao tuổi, anh nhanh chóng ra cửa đón, dìu lên ngồi ở vị trí ưu tiên. Chỉ đến khi khách ổn định chỗ ngồi anh mới ra hiệu cho tài xế bắt đầu di chuyển.

“Những nhân viên như chúng tôi luôn tự ý thức phải giúp đỡ mọi người khi lên, xuống xe, sắp xếp chỗ ngồi trên xe, ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ, người yếu thế”, anh Minh chia sẻ.

Bà Trần Thị Phương Thảo, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành và Quản lý giao thông Hà Nội cho biết, những năm qua, trung tâm đã và đang tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thuộc đối tượng miễn phí đi xe buýt có thể tiếp cận và sử dụng thẻ miễn phí sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Tính đến ngày 30/9, tổng số lượng thẻ miễn phí sử dụng phương tiện VTHKCC đã phát hành là hơn 620.000 thẻ.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân được hưởng các chính sách an sinh xã hội của thành phố, Trung tâm Điều hành và Quản lý giao thông Hà Nội đã tham mưu với cơ quan cấp trên bỏ hạn sử dụng trên thẻ miễn phí và cho các đối tượng được hưởng chính sách sử dụng căn cước công dân (trừ đối tượng thuộc hộ nghèo).

Những ngày qua, ông Lê Văn Khương, Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh cùng các lãnh đạo huyện chia nhau đi thăm hỏi, chia sẻ niềm vui với 33 hộ dân vừa được xây dựng, sửa nhà theo chương trình hỗ trợ của TP Hà Nội. Mê Linh là địa phương đầu tiên hoàn thành việc xây dựng, sửa nhà cho các hộ dân từ chính sách trên.

Ông Khương cho biết: Huyện Mê Linh có 33 hộ dân được xây dựng, sửa nhà trong đợt vừa qua, chúng tôi đã hoàn thành và giải ngân các khoản hỗ trợ cho các hộ dân. Chúng tôi cũng có suất quà để hỗ trợ thêm cho người dân thuộc diện khó khăn trên địa bàn, có nhà chúng tôi tặng tủ lạnh, nhà thì tặng bếp…

“Gia đình nào có nhu cầu vay vốn được vay 50 triệu đồng trong 15 năm, phần lãi do ngân sách thành phố chi trả. Người dân trên địa bàn huyện rất phấn khởi, vui mừng vì được nhà nước hỗ trợ xây dựng, sửa nhà”, ông Khương nói.

Theo ông, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố được ban hành đã có tác động tích cực đến đời sống nhân dân, được người dân đồng tình, hưởng ứng, qua đó khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của các chương trình.

Trong căn nhà mới được xây mới từ nguồn hỗ trợ của thành phố, ông Nguyễn Văn Thành (trú tại thôn Nại Châu, xã Chu Phan, huyện Mê Linh) biết ơn các cấp đã giúp gia đình xây được căn nhà khang trang.

“Từ khi có nhà mới, gia đình tôi không còn phải sợ cảnh trời mưa dột như trước đây nữa. Căn nhà của gia đình tôi trước đây lụp xụp, gần sập nhưng không có tiền để sửa chữa, mỗi khi mưa gió là sợ không dám ngủ, chỉ sợ nhà sập. Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nên gia đình tôi xây dựng được ngôi nhà kiên cố, cả nhà ai nấy đều rất phấn khởi”, ông Thành chia sẻ.

Bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, vừa qua có 725 hộ nghèo, cận nghèo được thành phố hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, trong đó xây mới 462 hộ và sửa chữa 263 hộ, tổng kinh phí gần 62 tỷ đồng. Ngoài kinh phí hỗ trợ, các hộ có nhu cầu vay vốn được Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội cho vay với mức tối đa là 50 triệu đồng/nhà trong thời hạn 15 năm; ngân sách thành phố hỗ trợ kinh phí trả lãi suất cho vay.

Bà Vũ Thu Hà, Phó chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định, việc trao hỗ trợ và xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đồng loạt tại 15 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố vừa qua là hết sức thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đoàn kết, chung tay vì người nghèo của cả hệ thống chính trị Thủ đô.

Qua đó tạo điều kiện cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Hà Nội có khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, lao động và học tập trên địa bàn. Song song với việc phát triển nhanh chóng về kinh tế, thành phố luôn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về an sinh xã hội, lao động, việc làm.

Những năm qua, TP Hà Nội luôn chú trọng quan tâm, chăm lo an sinh cho người dân. Thành ủy Hà Nội đã có Chương trình số 08/CTr-TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình số 08, các chỉ tiêu của chương trình dự kiến hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu của nhiệm kỳ (đến tháng 7 có 20/26 chỉ tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch; các chỉ tiêu còn lại dự kiến hoàn thành vào năm 2025).

Ông Tuấn cho biết, quá trình thực hiện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững.

Vấn đề về phát triển mạng lưới cơ sở y tế luôn là vấn đề “nóng” của Hà Nội, nhu cầu thăm khám tại các bệnh viện ở thành phố luôn ở mức cao. Theo lãnh đạo Hà Nội, hiện thành phố có 42 bệnh viện, 6 trung tâm chuyên khoa tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, 30 trung tâm y tế tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Ngày 8/10, thành phố sẽ tổ chức khánh thành công trình Bệnh viện Nhi Hà Nội (phường yên Nghĩa, Hà Đông) đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho trẻ em…

Thời gian qua, Hà Nội cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo cho các đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Toàn thành phố hiện có hơn 800.000 người có công và các đối tượng liên  quan, trong đó đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng gần 80.000 đối tượng.

Các chế độ ưu đãi đối với người có công luôn được thành phố quan tâm thực hiện. Đời sống người có công không ngừng được nâng lên, cơ bản hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú.

“Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt hơn 6.800.000 đồng/người/tháng. Ước cuối năm 2025, Hà Nội không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố. Thành phố quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; phát  triển kinh tế – xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn nhấn mạnh: Các chính sách xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Chương trình số 08 của Thành ủy đã thể hiện được tính ưu việt và nhân văn. Một số địa phương có những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện Chương trình số 08, tạo sức lan tỏa, mang lại niềm tin cho nhân dân.

Related Post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *