(Tinduongpho.online) – Bà Nguyễn Thanh Hải bày tỏ sự đau xót khi nhắc đến việc cô giáo “xin hỗ trợ” mua laptop hay hình ảnh cô giáo “thân mật” quá mức với học sinh tại lớp học.
Sáng 8/10, tại phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Nhà giáo.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải bày tỏ đau xót trước hình ảnh nhà giáo được phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng thời gian qua.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. (Ảnh: quochoi.vn)
“Những sự việc vừa qua ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của nhà giáo như vụ cô giáo vận động phụ huynh học sinh góp tiền mua laptop phục vụ giảng dạy; hình ảnh cô giáo “thân mật” quá mức với học sinh ngay tại lớp học, trước một số học sinh khác“, bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Bà Nguyễn Thanh Hải cũng đề cập đến vụ Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tại tỉnh Bình Thuận chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh hồ sơ vụ việc thanh tra công tác tài chính, quản lý, sử dụng ngân sách tại trường THPT Quang Trung (huyện Đức Linh) từ năm 2017 – 2021 làm thất thoát tiền và có dấu hiệu tội phạm.
“Từng là nhà giáo, tôi thấy rất đau xót. Ngày trước chúng tôi được học nghiệp vụ sư phạm, tâm lý trẻ em, được dạy rất nhiều kỹ năng, kể cả thầy cô giáo không nên mặc quần áo quá sặc sỡ khi lên lớp vì có thể gây ảnh hưởng đến sự chú ý của học sinh. Bây giờ nhiều hiện tượng như thế, chúng ta điều chỉnh thế nào?“, Trưởng Ban Công tác đại biểu đặt vấn đề.
Đối chiếu với các điều quy định về đạo đức nhà giáo tại dự thảo Luật, bà Nguyễn Thanh Hải tán thành với quy định, nhà giáo phải là chuẩn mực về nhận thức, thái độ, hành vi trong mối quan hệ giữa nhà giáo với người học, đồng nghiệp và gia đình người học.
“Có ý kiến lý giải việc cô giáo huy động quyên góp, lạm thu trong nhà trường có thể do chế độ lương, đãi ngộ thấp… Từ trước đến nay thầy cô giáo có thể hoàn cảnh kinh tế không giàu nhưng tấm lòng, đạo đức rất giàu có. Tôi kỳ vọng vấn đề liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo tại Điều 30 dự thảo Luật được thể hiện sâu sắc, cụ thể hơn“, bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng đạo đức nhà giáo là chuẩn mực về nhận thức, thái độ và hành vi trong mối quan hệ giữa học sinh và phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên nhận định trong dự thảo Luật về nội dung này còn nhiều sơ sài, bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng cần tạo đột phá, thực hiện đúng phương châm nêu trên về đạo đức nhà giáo.
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của các ủy ban của Quốc hội đối với dự án Luật Nhà giáo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật áp dụng đối với nhà giáo được tuyển dụng, làm việc toàn thời gian trong các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (không phân biệt công lập, tư thục, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài).
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: quochoi.vn)
Liên quan đến quy định về đánh giá nhà giáo, Bộ trưởng nêu rõ, dự thảo quy định những nội dung riêng về đánh giá định kỳ đối với nhà giáo (thời điểm đánh giá theo năm học, không theo năm hành chính, nội dung đánh giá căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo); còn quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn xếp loại nhà giáo thực hiện theo pháp luật về viên chức (với nhà giáo công lập) hoặc pháp luật về lao động và quy chế của cơ sở giáo dục (đối với nhà giáo ngoài công lập).
“Trên cơ sở đó, các chính sách trong dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng, ngoài các điều, khoản quy định chung, còn một số nội dung chính sách được thiết kế riêng cho từng nhóm đối tượng: nhà giáo công lập (gồm chế tài theo luật viên chức và các quy định riêng); nhà giáo ngoài công lập; nhà giáo người nước ngoài (gồm chế tài theo Bộ luật Lao động và các quy định riêng)“, ông Nguyễn Kim Sơn nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đối với những nội dung chính sách còn nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ đã đưa ra khỏi dự thảo (quy định về áp dụng luật nhà giáo, về tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhà giáo, về chuẩn người đứng đầu các cơ sở giáo dục…).
Còn một số nội dung chính sách (quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo) được rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.