Miễn học phí con nhà giáo là không công bằng, lợi ích nhóm

(Tinduongpho.online) – Theo đại biểu Quốc hội, việc đề xuất miễn học phí con nhà giáo mang tính lợi ích nhóm và giáo viên có quá nhiều “đặc quyền, đặc lợi”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa không đồng ý với đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo. Ảnh: Phạm Đông

Tại phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự án Luật Nhà giáo.

Dự thảo luật gây chú ý khi đề xuất chính sách hỗ trợ nhà giáo bao gồm chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác…

Trong đó, dự kiến, để thực hiện chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên cần khoảng hơn 9.200 tỉ đồng/năm.

Nội dung đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và có nhiều ý kiến khác nhau.

Trao đổi với Lao Động ngày 9.10, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm không đồng ý với đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác.

“Nhà giáo cũng vẫn là viên chức, không thể có quá nhiều “đặc quyền, đặc lợi” so với những đối tượng viên chức khác” – theo đại biểu Phạm Văn Hòa, hiện nay, do đời sống gặp khó khăn, lương nhà giáo đang được đề xuất xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đồng thời, nhà giáo cũng được những chế độ phụ cấp nghề nghiệp, hơn những viên chức khác. Nếu đi dạy xa, giáo viên thậm chí còn được ở nhà công vụ.

Theo đại biểu, việc tăng lương thậm chí phải tăng rất cao cho giáo viên là đúng, nhưng không nên miễn phí bất kỳ thứ gì, kể cả học phí cho con em giáo viên.

“Chúng ta không thể chuyển sự không công bằng này thành sự không công bằng khác. Trong một xã hội, thì ngành nghề nào cũng là ngành nghề phải đáng được trân trọng và ưu tiên như nhau” – đại biểu Hòa nói và cho rằng, đề xuất này của cơ quan soạn thảo sẽ dễ bị dư luận đánh giá là mang tính “lợi ích nhóm” cho ngành của mình.

Cùng trao đổi với Lao Động, một đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn với đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo trong dự thảo Luật.

Theo vị đại biểu này, về nguyên tắc, chúng ta cần có một số chính sách đảm bảo ưu tiên với nhà giáo do tính chất đặc thù như tiền lương, phụ cấp nhưng việc miễn học phí là không nên và không cần thiết, thiếu sự công bằng.

Trước đó, thẩm tra về dự án luật chiều 8.10, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ có ý kiến đề nghị xác định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo, nhất là chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo (điểm d khoản 1 Điều 26).

Nhận định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, quy định này khó áp dụng cho cơ sở giáo dục tư thục và thậm chí trong cả cơ sở giáo dục công lập. Chính vì vậy, cần quy định chính sách theo hướng cho đối tượng nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội nói rằng không nên quy định nội dung này vào dự thảo luật. Ưu đãi, chính sách đặc thù thì được nhưng quy định “đặc quyền, đặc lợi” là không nên.

Hãy để lại ý kiến của bạn phía dưới./

Related Post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *