(Tinduongpho.online) – Đến tận cuối tháng 3 thí sinh mới biết kết quả bốc thăm chọn môn thi thứ 3, trước kỳ thi vào lớp 10 chỉ hơn 2 tháng, làm sao các em đủ thời gian ôn luyện?
Có lẽ không chỉ tôi mà nhiều phụ huynh khác có con đang học THCS cũng bàng hoàng, lo lắng khi biết phương án thi tuyển vào lớp 10 tại dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tuyển sinh THCS và THPT mới. Theo đó, kỳ thi diễn ra với ba môn: Toán, Văn và một môn do địa phương bốc thăm (trong 8 môn Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật).
Môn thi thứ ba này được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Cuộc thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa phương thường diễn ra từ đầu tháng 6. Như vậy có nghĩa là tính từ khi công bố môn thi được chọn ngẫu nhiên kia, các thí sinh có thể chỉ còn hơn 2 tháng để ôn luyện. Nếu chẳng may môn đó không phải sở trường, thời gian còn lại sẽ không đủ cho trẻ ôn luyện, dù có ý thức dùi mài kinh sử cũng đành lực bất tòng tâm.
Chắc sẽ có người hỏi, vậy tại sao không chăm chỉ ôn luyện từ trước? Nhưng trước khi môn thi thứ 3 được công bố, các em không thể làm gì khác hơn là chia thời gian ra ôn tất cả các môn, không có cách nào tập trung vào trọng điểm. Khi đã biết đâu là trọng tâm cần dồn sức thì có hơi muộn rồi.
Ảnh (Internet)
Mục tiêu cao cả của việc trồng người không phải là chỉ tuyển chọn và chăm sóc những hạt giống ưu việt nhất, mà là giúp mọi cây non đều có cơ hội phát triển tốt nhất có thể. Lớp 10 chỉ là giai đoạn giữa của quá trình đào tạo, phía trước mỗi đứa trẻ là khoảng thời gian khá dài để vượt lên chính mình, những cây yếu còn nhiều cơ hội để lớn lên thành đại thụ.
Quy chế thi cử cần thể hiện rõ rằng mỗi học sinh đều có cơ hội vào học trường tốt nếu thực sự cố gắng. Nhưng nếu “treo” môn thi đến gần khi thi mới công bố, còn đâu cơ hội cho trẻ muốn “mài sắt để có ngày nên kim”?
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 7/10, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nói phương án thi lớp 10 được xây dựng trên ba nguyên tắc cốt lõi, trong đó có nguyên tắc không gây tốn kém, giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh và xã hội. Nhưng áp lực có thể thấp được chăng nếu trẻ chỉ có hơn 2 tháng cho một cuộc đua nước rút, cày ngày cày đêm, học đến khô cả người trong trạng thái lo âu phấp phỏng?
Thứ trưởng cũng cho biết, phương án thi lớp 10 hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện; nếu chọn một môn cố định, Bộ lo xảy ra tình trạng học tủ, học lệch. Nhưng ngăn học lệch đâu có nghĩa là không cho các em cơ hội rèn luyện thêm những môn mình còn yếu, và đặt học sinh trước sự bị động đầy may rủi!
Môn thi có thể thay đổi theo từng năm để buộc trẻ học đều các môn, nhưng cũng nên công bố vào đầu năm học để các em còn thời gian cố gắng.
Như ông Phạm Ngọc Thưởng nói, một trong 3 nguyên tắc cốt lõi của kỳ thi vào lớp 10 là phương thức tuyển sinh phải gắn kết được với quá trình kiểm tra, đánh giá trên lớp. Ngay cả như vậy, Bộ vẫn có thể quy định thông báo sớm môn thi chọn ngẫu nhiên, đồng thời đặt ra thêm một điều kiện cho thí sinh trúng tuyển, đó là điểm số các môn của 4 năm THCS phải đạt mức nhất định nào đó.
Cách này vừa đảm bảo trẻ không học lệch, vừa không dồn cái khó cho thí sinh, gia tăng những áp lực không cần thiết.
Việc bốc thăm chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cũng như thời gian công bố môn thi trước 31/3 hiện chỉ mới là quy định trong dự thảo mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến. Vì vậy rất mong ý kiến này cũng như kết quả các cuộc thăm dò ý kiến khác được tham khảo, xem xét trước khi thông tư được ban hành.
Theo bình chọn của độc giả VTC News, có 545/639 ý kiến (chiếm 85%) không đồng ý phương thức bốc thăm, tính đến đêm 7/10, tôi nghĩ đây cũng là con số có ý nghĩa, đáng để suy nghĩ.